NGÀY AN TOÀN NGƯỜI BỆNH THẾ GIỚI 17/9

Tháng 5/2019, tại Giơnevơ, Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72 đã thông qua quyết định lấy ngày 17/9 hàng năm là Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: hiện nay,tại các nước phát triển, khi tiếp nhận các dịch vụ khám chữa bệnh, khoảng 10% người bệnh lại bị tổn hại sức khoẻ của bản  thân do các sự cố y khoa. Trong đó có tới 50% nguyên nhân là có thể phòng tránh được như: phơi nhiễm với tia phóng xạ, nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán chậm và không chính xác,… Chi phí điều trị hậu quả do các sự cố y khoa gây ra chiếm hơn 14% chi phí chung tại bệnh viện. Do vậy, an toàn người bệnh là vấn đề sức khoẻ cộng đồng mang tính toàn cầu

Xác định bệnh viện là môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào và từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào. Ở bất cứ quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Bên cạnh đó bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Nhằm hạn chế tình trạng này, ngày 26/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2018/BYT-TT về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, sự cố y khoa được xác định là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Việc phòng ngừa sự cố y khoa trên cơ sở nhận diện, báo cáo, phân tích tìm nguyên nhân, đưa ra các khuyến cáo phòng ngừa, tránh tái diễn sự cố y khoa để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh và không nhằm mục đích khác.Là trách nhiệm của lãnh đạo và nhân viên y tế làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, được khuyến khích, động viên và bảo vệ.

Để tăng cường quản lý chất lượng hoạt động bệnh viện, ngày 12/5/2016, Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh cũng đã có công văn số 4233/SYT-NVY về “Khuyến cáo xây dựng văn hoá an toàn người bệnh tại các bệnh viện”, việc làm này sẽ làm thay đổi theo chiều hướng tích cực những suy nghĩ, thái độ và hành vi của nhân viên bệnh viện liên quan đến an toàn người bệnh, tạo không khí cởi mở cho nhân viên trao đổi về sai sót, phân tích hệ thống để xác định lỗi hệ thống hay lỗi cá nhân khi có sai sót xảy ra để có biện pháp khắc phục hay chế tài phù hợp. Xây dựng văn hoá an toàn người bệnh nhằm tập hợp những phản hồi về hệ thống chăm sóc sức khoẻ, xác định những vấn đề còn tồn tại từ đó đưa ra những biện pháp cải tiến vấn đề chuyên biệt đã được xác định.

Mục tiêu của Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới :

1. Nâng cao nhận thức toàn cầu về gánh nặng của các tổn hại liên quan đến sự cố trong sử dụng thuốc hoặc các hành vi sử dụng thuốc không an toàn, đồng thời ủng hộ hành động khẩn cấp để cải thiện An toàn sử dụng thuốc.

2. Tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan nhằm ngăn ngừa sự cố trong sử dụng thuốc và giảm tổn hại liên quan đến thuốc.

3. Hướng dẫn người bệnh và gia đình tham gia trong việc sử dụng thuốc an toàn.

4. Tích cực triển khai Chiến dịch An toàn người bệnh toàn cầu của WHO: Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại.

Cụ thể, có 05 thời điểm an toàn khi sử dụng thuốc:

1. Khi kê đơn thuốc: Bác sỹ cần kiểm tra tên thuốc, tác dụng của thuốc, tác dụng phụ của thuốc

2. Khi kê thêm thuốc mới: Bác sỹ cần xác định có cần kê thêm thuốc, có phản ứng với thuốc khác

3. Khi sử dụng thuốc: Người bệnh cần hiểu rõ thời điểm dùng, liều lượng mỗi lần dùng, cách xử lý khi có tác dụng phụ

4. Khi đánh giá hiệu quả điều trị: Người bệnh cần hỏi bác sỹ sử dụng thuốc trong bao lâu, có thuốc nào không cần sử dụng

5. Khi dừng sử dụng thuốc: Người bệnh cần hỏi bác sỹ thời điểm dừng, dừng thuốc do tác dụng phụ thì cần báo cáo với ai

Việc uống thuốc đúng thời gian rất quan trọng để đảm bảo thuốc có tác dụng tốt nhất và ít tác dụng bất lợi nhất (như dùng thuốc trước hay sau ăn, thuốc uống sáng hay tối). Căn cứ tác dụng và đặc điểm của thuốc, bác sĩ sẽ cho hướng dẫn trên toa hoặc dược sĩ tư vấn tại nhà thuốc sẽ tư vấn kỹ khi cấp phát, bạn cũng nên chủ động hỏi các thông tin này để đảm bảo quyền được thông tin đầy đủ và sử dụng thuốc đúng cách.

Cần hỏi kỹ dược sĩ về cách bảo quản thuốc, đặc biệt là các thuốc cần bảo quản lạnh, một số thuốc có thể thay đổi điều kiện bảo quản sau khi dùng (ví dụ nhiều thuốc insulin khi chưa sử dụng cần bảo quản lạnh 2-8oC, khi sử dụng liều đầu tiên rồi thì phải bảo quản ở nhiệt độ phòng…).

Thông thường thuốc đa liều (như thuốc siro, thuốc lọ bột kháng sinh cần pha với nước sử dụng trong nhiều ngày…) có hạn dùng chưa mở nắp (expiry date) được in trên hộp thuốc và hạn dùng sau mở nắp (BUD – Beyond-Use Date) thường ngắn hơn, hỏi kỹ dược sĩ hạn dùng sau mở nắp và điều kiện bảo quản thuốc sau khi pha hoặc mở nắp.

Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc là thông tin đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép, thường ghi đầy đủ cho nhân viên y tế sử dụng đồng thời bạn cũng có thể đọc để hiểu thêm về loại thuốc mình sẽ sử dụng, hãy yêu cầu nhà thuốc cung cấp tờ hướng dẫn sử dụng này cho bạn khi muốn tìm hiểu thêm về thông tin thuốc.

Theo WHO, Bộ Y tế

Nguồn tham khảo: 

https://bvhungvuong.vn/tin-tuc/ngay-an-toan-nguoi-benh-the-gioi-179

https://vienhuyethoc.vn/huong-ung-ngay-an-toan-nguoi-benh-the-gioi-17-9-2022/

Bài viết liên quan