Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Người cao tuổi
Ngày Quốc tế Người Cao tuổi, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1990, diễn ra vào ngày 1 tháng 10 hàng năm, với mục tiêu khuyến khích chính phủ và nhân dân các nước chú ý giải quyết những vấn đề của người cao tuổi, đồng thời tôn vinh những đóng góp của họ cho gia đình và xã hội. Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội”, chúng ta được nhắc nhở về tầm quan trọng của lối sống tích cực đối với sức khỏe của người cao niên.
Người cao tuổi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe bản thân?
Người cao tuổi thường gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe do lão hóa sinh lý, nhưng điều này không có nghĩa là họ không thể duy trì một cuộc sống khỏe mạnh. Một chế độ sinh hoạt điều độ, kết hợp với vận động thể lực thường xuyên, là chìa khóa giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để chăm sóc sức khỏe bản thân, người cao tuổi cần duy trì lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe bền bỉ, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoải mái tinh thần, bao gồm:
– Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước, hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo
– Vận động thể lực thường xuyên, điển hình như: các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thái cực quyền, bơi lội …
– Duy trì giờ giấc sinh hoạt đều đặn giúp có giấc ngủ tốt hơn.
– Không sử dụng thuốc lá và rượu bia
– Khám sức khỏe định kỳ hàng năm tại Trạm Y tế cũng như các cơ sở y tế khác giúp cho người cao tuổi có thể phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm. Qua đó, có hướng điều trị phù hợp đồng thời nâng cao chất lượng sống theo phương châm “Sống lâu, sống khỏe và sống có ích”
Gia đình và xã hội cần làm gì để chăm sóc người cao tuổi?
Gia đình và xã hội cũng có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc người cao tuổi. Cần tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động thể thao và văn hóa, như các câu lạc bộ thể dục, để họ có cơ hội giao lưu, kết bạn và rèn luyện sức khỏe. Đồng thời, gia đình nên khuyến khích và hỗ trợ người cao tuổi trong việc duy trì thói quen sinh hoạt điều độ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi không chỉ là dịp để nâng cao nhận thức về những vấn đề mà người cao tuổi đang phải đối mặt, mà còn là thời gian để mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của họ, giúp họ sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Khoa Dinh dưỡng – Bệnh không lây – Phan Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Phan Dân Trúc
Nguồn tham khảo:
https://www.un.org/en/observances/older-persons-day
https://www.cdc.gov/physical-activity-basics/adding-older-adults/what-counts.html
https://hcdc.vn/loi-ich-cua-kham-suc-khoe-dinh-ky-cho-nguoi-cao-tuoi-Dp9AJl.html